Thừa phát lại tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Kiểm sát viên và điều kiện trở thành thừa phát lại

Thừa phát lại cần tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Kiểm sát viên, VKSND trong hoạt động hành nghề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo phục vụ hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên, VKSND theo quy định. Đồng thời, có trách nhiệm cùng với TAND, VKSND bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án chính xác, đúng pháp luật để tổ chức thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Cùng Mahaland.vn theo dõi bài viết bên dưới!

Đảm bảo tính độc lập, chặt chẽ trong hoạt động Thừa phát lại

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo dự thảo Thông tư, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự (THADS), tổ chức THADS theo quy định của pháp luật, để thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại, là cơ sở để Thừa phát lại tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại, nâng cao uy tín của Thừa phát lại, góp phần tôn vinh nghề Thừa phát lại trong xã hội.

Dự thảo Thông tư đã quy định về các quy tắc chung của Thừa phát lại. Trước hết là bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Theo đó, Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Bên cạnh đó, với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, Thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với cá nhân, tổ chức. Đồng thời, Thừa phát lại phải thực hiện công việc được giao một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định của Quy tắc này.

Mặt khác, Thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức nơi hành nghề thừa phát lại, thanh danh nghề nghiệp.

Thừa phát lại cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, Thừa phát lại phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nỗ lực tìm tòi để nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người yêu cầu.

14 việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu

Cùng với các quy tắc chung, dự thảo còn nêu rõ 14 việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu. Cụ thể đó là không được sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu.

Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu và các bên liên quan.

Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật cho phép; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Gây áp lực, ép buộc người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ của mình hoặc Văn phòng mình.

Lập vi bằng có liên quan về mặt lợi ích giữa Thừa phát lại và người yêu cầu.

Tư vấn, xúi giục, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi gian dối khác.

Không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ cho người yêu cầu về quyền, nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của vi bằng.

Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu hoặc người môi giới.

Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận.

Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc hành vi gian dối khác.

Không sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác trong quá trình làm việc, tiếp xúc với người yêu cầu, cơ quan, tổ chức.

Trong quan hệ với VKSND, TAND, dự thảo quy định, Thừa phát lại phải tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Kiểm sát viên, VKSND trong hoạt động hành nghề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo phục vụ hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên, VKSND theo quy định.

Nỗ lực, trách nhiệm, kịp thời trong việc tổ chức thi hành đúng nội dung các bản án, quyết định của TAND được yêu cầu; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với TAND trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

Có trách nhiệm cùng với TAND, VKSND bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án chính xác, đúng pháp luật để tổ chức thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với TAND, VKSND trong việc xem xét, đánh giá tính xác thực của vi bằng. Đồng thời, trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận tống đạt đã ký với TAND, VKSND.

Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều kiện trở thành Thừa phát lại là gì?

Thừa phát lại là một vị trí công tác do Nhà nước bổ nhiệm. Những cá nhân hội tụ đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dưới đây thì mới có thể được bổ nhiệm làm Thừa phát lại:

  1. Cá nhân là công dân mang quốc tịch Việt Nam, hiện đang sinh sống, làm việc và có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam.
  2. Cá nhân có độ tuổi từ 65 trở xuống, có phấm chất đạo đức tốt, sống và làm việc theo đúng Hiến pháp, pháp luật.
  3. Phải có bằng cấp chứng minh trình độ thuộc cấp bậc đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật và có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật từ 3 năm trở lên.
  4. Phải hoàn thành và tốt nghiệp khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại hoặc được công nhận tương đương, nhận được kết quả đạt sau kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Sau khi tìm hiểu Điều kiện trở thành Thừa phát lại là gì, chúng ta sẽ đi đến Điều kiện để có thể đào tạo nghề Thừa phát lại là gì?

Điều kiện để có thể đào tạo nghề Thừa phát lại là gì?

Điều kiện để có thể đào tạo nghề Thừa phát lại là gì? Cá nhân muốn đào tạo nghề này phải thỏa các điều kiện sau:

  1. Những người đạt đủ điều kiện trở thành Thừa phát lại phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại trong thời gian 6 tháng tại Học viện Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp. Đối với những trường hợp được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại thì phải đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại trong thời gian 3 tháng, nộp hồ sơ đăng ký tại Học viện Tư pháp.
  2. Những trường hợp được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại: Các cá nhân có thời gian hành nghề kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư, điều tra viên, công chứng viên, thẩm phán từ 5 năm trở lên hoặc những người đã trở thành thẩm tra viên, kiêm tra viên, nghiên cứu viên, thanh tra viên, chuyên viên hoặc giảng viên cao cấp trong các ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án hoặc ngành luật.
  3. Hồ sơ đăng ký tham gia khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghề Thừa phát lại có thể được nộp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hệ thống cơ sở bưu chính đến văn phòng Học viện Tư pháp. Những hồ sơ đạt đủ điều kiện tham gia sẽ được thông báo ít nhất 30 ngày trước khi khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng. Những hồ sơ bị từ chối sẽ được trả về kèm theo văn bản giải trình lý do.
  4. Nội dung chi tiết của chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo: https://baovephapluat.vn